Anh ta nói lý do chọn tôi chính là vì tôi có ý chí chiến đấu rất hợp với công ty của anh ta.

Anh ta khen tôi có sức sống, khen tôi có dũng khí…

Giống như anh ta từng mong đợi, tôi, một người phụ nữ tràn đầy tham vọng,

Người sinh ra đã thích tính toán,

Không bao giờ bỏ qua bất cứ một cơ hội kiếm tiền nào.

Tôi có thể kiên nhẫn phục kích suốt một tháng tại những nơi khách hàng tiềm năng có thể xuất hiện,

Chỉ để giành được một thương vụ hợp tác.

Tôi có thể kèm cặp con của đối tác, giúp chúng làm bài thi,

Chỉ để ký được hợp đồng.

Khi đó, anh ta ôm tôi, nói rằng sau này sẽ không để tôi chịu bất kỳ ấm ức nào nữa.

Tôi nói, đây không phải là ấm ức,

Mà là để chúng ta có một cuộc sống tốt hơn.

Xuất phát điểm của Lục Hạc Minh rất tốt,

Không giống tôi, phải liều mạng để sinh tồn.

Anh ta chỉ muốn giành lấy sự công nhận từ cha mẹ mình.

Hôm đó, lần đầu tiên được cha khen ngợi, anh ta dẫn tôi đến nhà hàng trên sân thượng để ăn mừng.

Anh ta nói: “Tiểu Dịch, em biết hôm nay anh vui thế nào không? Thật tốt biết bao, vì em luôn ở bên anh.”

Những điều anh ta từng yêu thích ở tôi, giờ lại trở thành những thứ anh ta khinh miệt, không thể chịu đựng được.

Sự ngưỡng mộ năm đó là thật.

Mà sự chán ghét bây giờ cũng là thật.

7

Cuối cùng, tài sản giữa chúng tôi được phân chia rất rõ ràng.

Tôi không chỉ rút toàn bộ cổ phần và quyền chọn mà mình có,

Còn nhận được khoản bồi thường N+1.

Trước khi rời đi, tôi để lại cho Lục Hạc Minh một tấm thẻ.

Anh ta nhìn tôi đầy khó hiểu.

“Sao? Bây giờ lại không cần tiền nữa à? Chúng ta không thể quay đầu lại đâu.”

“Không phải.”

“Năm đó, anh mời em vào công ty, giúp em ứng trước năm vạn tiền viện phí cho mẹ. Anh chưa bao giờ muốn nhận lại.”

“Giờ coi như em trả đủ, số dư còn lại xem như tiền lãi.”

Anh ta ném thẳng tấm thẻ vào thùng rác.

Câu nói cuối cùng tôi nghe thấy trước khi đóng cửa là:

“Hứa Dịch, em đừng hối hận.”

8

Lúc rời khỏi công ty, ngoài cảm giác hụt hẫng theo bản năng vì những gì từng thân thuộc giờ đã trở nên xa lạ,

Cảm xúc còn lại chỉ là nhẹ nhõm, như trút bỏ được gánh nặng.

Những năm qua, thật sự quá mệt mỏi.

Thực ra, ngay từ đầu, mối quan hệ này vốn đã không hề bình đẳng.

Tôi luôn không tự chủ mà cố gắng để trở nên xứng đáng với anh ta.

Anh ta kén ăn, dạ dày lại không tốt.

Vì muốn anh ta hài lòng, tôi đăng ký một khóa học nấu ăn.

Dù tôi cực kỳ ghét mùi dầu mỡ.

Anh ta thích tôi để tóc dài uốn xoăn.

Vậy là suốt bao năm, tôi kiên trì chăm sóc kiểu tóc phiền phức ấy.

Nhưng hồi đi học, tôi gần như lúc nào cũng buộc đuôi ngựa hoặc cắt ngắn, gọn gàng và thoải mái hơn nhiều.

Tôi lúc nào cũng lo lắng anh ta sẽ không còn thích tôi nữa.

Lúc nào cũng bất an mà nâng niu mối quan hệ này.

Tôi ghen tị với sự tự do của anh ta.

Anh ta chưa từng cố gắng lấy lòng bất kỳ ai.

Còn tôi, lúc nào cũng theo bản năng mà muốn làm hài lòng tất cả mọi người xung quanh.

Từ nền tảng gia đình, quan điểm sống, đến những chi tiết nhỏ nhặt trong đời thường, chúng tôi khác nhau quá nhiều.

Phải rồi, khi anh ta lái chiếc xe trị giá cả triệu,

Tôi vì tiếc mười mấy đồng tiền taxi mà đội mưa ướt sũng trở về trường.

Khi anh ta tiêu hàng vạn chỉ trong một đêm chơi bời ở quán bar,

Tôi vẫn đang cố chắt chiu từng đồng để dành cho một kỳ học mới, để trả tiền thuốc cho mẹ.

Chúng tôi làm sao có thể có tương lai?

Mà anh ta cũng chưa bao giờ hứa hẹn một tương lai với tôi.

Anh ta chỉ đơn giản là ném cho tôi một cọng rơm khi tôi còn trẻ và mông lung.

Khiến tôi ngộ nhận rằng đó là con đường tắt để thoát ra.

Nhưng tôi không biết, một vũng lầy phủ đầy giấc mộng đẹp lại càng dễ khiến người ta chìm sâu.

Từng chút, tôi đánh mất chính mình, đánh mất lòng tự trọng, từng chút một trở thành cái bóng phụ thuộc vào anh ta.

Tâm trạng của anh ta chi phối toàn bộ cảm xúc của tôi.

Anh ta giơ tay, tôi có thể lên tận mây xanh.

Anh ta hất tay, tôi rơi xuống tận địa ngục.

9

Tôi nằm lì trong nhà suốt mấy ngày liền.

Sách vở và phim ảnh đều nói, khi đau lòng thì nên uống rượu để giải sầu.

Nhưng dạ dày tôi không tốt.

Từ khi công ty dần đi vào quỹ đạo, tôi đã từ từ bỏ rượu.

Hầu hết thời gian, tôi chỉ ngủ.

Tôi cũng không còn quan tâm Lục Hạc Minh và Tống Từ ra sao nữa.

Cảm giác mệt mỏi và vô lực cứ bám lấy tôi không rời.

Mẹ tôi vốn rất nhạy cảm với mối quan hệ giữa tôi và Lục Hạc Minh.

Dù chúng tôi ít khi gặp nhau, bà vẫn có thể đoán ra được.

Bà sống trong căn nhà đầu tiên tôi mua sau khi đi làm.

Còn tôi sống trong căn hộ mà tôi mới sửa sang năm ngoái.

Toàn bộ thiết kế và nội thất đều do một tay tôi lo liệu.

Khi ấy, tôi bảo với mọi người rằng tôi làm vậy để tiện cho thuê.

Nhưng tận sâu trong lòng, tôi luôn có một tiếng nói nhỏ bé.

Nói rằng tôi sẽ là người dọn vào đó ở.

Giây phút mở cửa nhìn thấy mẹ,

Tôi không biết có phải ảo giác không, nhưng ánh mắt bà hình như lóe lên một tia hứng khởi.

Bà không vòng vo, nói thẳng:

“Lục Hạc Minh đá con rồi, đúng không?”

“Sao lại chỉ có thể là anh ta đá con, không thể là con đá anh ta à?”

Tôi theo phản xạ đáp lại.

“Đừng có giả vờ! Hứa Dịch, con từ bé đã thích cứng đầu cứng cổ.”

“Hồi đó mẹ đã nói hai đứa không hợp, con không nghe. Một công tử bột như nó thì làm sao có thể để mắt đến con được?”

“Còn nữa, đừng nói với mẹ là con không lấy tiền bồi thường thanh xuân đấy nhé?”

Bồi thường thanh xuân?

Trong thỏa thuận phân chia giữa tôi và anh ta không có khoản này.

Lục Hạc Minh từng nhắc đến, nhưng là với giọng điệu đầy sỉ nhục.

Hôm đó, chúng tôi ngồi đối diện nhau, như đang đối đầu.

Anh ta gõ nhẹ ngón tay lên mặt bàn, đẩy một tấm thẻ về phía tôi.

“Số tiền này là anh riêng tặng em, coi như không để em đi theo anh năm năm một cách uổng phí.”

“Vậy trong mắt anh, năm năm của chúng ta chính là một mối quan hệ bao nuôi sao?”

Nụ cười chế giễu trên mặt anh ta bỗng khựng lại.

Tôi không nói thêm gì nữa.

Chỉ đứng dậy, cầm lấy toàn bộ số tiền từ công việc suốt những năm qua mà tôi đã thỏa thuận được.

Trong đó có cả khoản bồi thường N+1 và số tiền rút từ cổ phần.

Mẹ nhìn vẻ bực bội của tôi, lập tức chắc chắn rằng tôi không nhận cái gọi là “bồi thường thanh xuân” kia.

Bà giơ tay, định chọc mạnh vào trán tôi.

Tôi đưa tay giữ lấy cánh tay bà.

“Con đã trưởng thành rồi, con là một người độc lập.”

“Đúng vậy! Con rất độc lập, con giỏi giang lắm, thế mà để người ta chơi đùa suốt bao năm không công, không danh phận?”

Từng lời bà nói, câu sau còn cay nghiệt hơn câu trước.

Tôi thấy mình càng lúc càng kiệt sức.

Chỉ lặng lẽ nghe bà trút giận.

Chỉ cảm thấy buồn cười và mỉa mai.

Đợi đến khi bà chửi xong.

Tôi bảo bà về đi, và từ nay đừng đến tìm tôi nữa nếu không có chuyện gì quan trọng.

Khi con người mệt mỏi đến một mức độ nào đó, ngay cả cãi nhau cũng không còn sức nữa.

Bà ngồi phịch xuống sofa.

Lại bắt đầu khóc.

“Tôi biết mà, tôi sinh cô ra cũng uổng công, nuôi cô lớn cũng uổng công.”

“Đúng rồi, thế giờ phải làm sao đây? Hay là mẹ gọi cảnh sát đi?”

Bà sững sờ.

Cuối cùng cũng không nói gì nữa.

“Mẹ, con đã làm gì có lỗi với mẹ sao? Con đã từng làm tổn thương mẹ sao?”

“Tại sao người đối xử tệ với con nhất, luôn là mẹ?”

“Con đã làm gì sai? Từ năm con học lớp 11, mẹ đã bệnh liên miên, con có bao giờ bỏ mặc mẹ không?”

“Người luôn chăm sóc mẹ, lo cho mẹ chính là con, vậy mà mẹ lại đối xử với con như vậy sao? Làm con tổn thương, mẹ mới cảm thấy dễ chịu hơn à?”

“Vậy nên, mẹ nghĩ con là gánh nặng, là đồ vướng víu à?”

Câu này, bà đã nói với tôi vô số lần.

Những lần đó, tôi hoặc là im lặng, hoặc là cố lục lọi từ những kiến thức và kinh nghiệm sống mà tôi học được, để tìm một câu an ủi bà.

Nhưng bây giờ, tôi không thể nói ra được nữa.

Cảm xúc trong tôi bùng nổ.

Giọng nói lớn đến mức ngay cả tôi cũng bị chính mình làm giật mình.

Như một người đang vùng vẫy trong cơn hấp hối, dùng hết chút sức lực cuối cùng.

“Đúng vậy! Không phải sao? Mẹ đối xử tốt với con sao?”

“Mẹ không biết là con cũng rất mệt mỏi à? Con cũng là một con người bằng xương bằng thịt mà!”

“Khi những đứa trẻ khác vẫn còn được cha mẹ chăm lo, thì mẹ đã đẩy tất cả mọi thứ lên vai con, bắt con gánh cả cảm xúc tiêu cực của mẹ!”

Toàn thân tôi run rẩy khi nói những lời này.

Bà sững lại, tránh ánh mắt của tôi.

Nhưng ngay sau đó, như thể nghĩ ra điều gì, bà lập tức phản kích:

“Tôi đã biết từ lâu rồi, cô vốn không có lương tâm!”

“Bây giờ cô định mặc kệ tôi đúng không? Cô lúc trước còn vì chút tiền mà đi làm ầm ĩ với cha ruột mình, cô từ trước đến nay vốn không xem cha mẹ ra gì mà!”

Tôi tức đến bật cười.

“Đúng! Tôi không có lương tâm! Tôi không có đạo đức! Tôi là đồ vô ơn!”

“Tôi không biết xấu hổ, đi đòi tiền như một kẻ đầu đường xó chợ, như một ả đàn bà chanh chua!”

“Nhưng mẹ à, số tiền đó giúp mẹ tiếp tục sống đến tận bây giờ, tiếp tục mắng tôi, tiếp tục làm tổn thương tôi đấy!”

Chúng tôi cứ thế bóc trần nhau, làm tổn thương nhau.

Tôi luôn ghen tị với Lục Hạc Minh.

Anh ta chưa bao giờ phải đối mặt với những chuyện như thế này.

Cha anh ta nghiêm khắc, nhưng chưa bao giờ thiếu tình thương dành cho con.

Lúc công ty mới khởi nghiệp, cha anh ta đã âm thầm đưa không ít hợp đồng đến tay anh ta, thậm chí còn dặn tôi đừng nói gì, để tránh khiến anh ta tự mãn.

Mẹ anh ta lại càng ra sức cầu xin anh ta nhận tiền giúp đỡ.

Tôi không ghen tị với số tiền đó, cũng không ghen tị với những nguồn lực mà anh ta có.

Tôi ghen tị với tình yêu vô điều kiện mà gia đình anh ta sẵn sàng trao đi.

Thứ đó, tôi chưa bao giờ có được.

Nhìn vào hạnh phúc của anh ta, tôi chỉ có thể gắng gượng hòa vào.

Cuộc cãi vã kết thúc bằng tiếng sập cửa của mẹ tôi.

Nhưng đến buổi chiều,

Bà lại bất ngờ mua một đống thức ăn về.

Tôi vừa mở cửa, bà đã tự nhiên đi thẳng vào bếp.

Vừa nấu ăn, vừa lẩm bẩm gì đó.

“Trừ mẹ của con ra, ai còn quan tâm đến con nữa chứ!”

“Con nhìn xem, dạo này gầy rộc đi bao nhiêu rồi.”

“Con không cần thì thôi, nhưng mẹ cũng chỉ muốn tốt cho con thôi! Con càng ngày càng lớn tuổi, lại còn quen thằng nhóc đó suốt bao năm trời, sau này còn ai thèm lấy con nữa?”

Tôi nằm trên ghế xích đu phơi nắng, đột nhiên đứng dậy.

Nhìn thẳng vào bà, nghiêm túc nói:

“Mẹ, con tự cần con.”

“Con có thể tự chọn chính mình.”

“Con không còn là trẻ con nữa, con không cần ai phải ‘cần’ con cả.”

“Bây giờ, con có thể tự yêu lấy bản thân mình rồi.”

10

Không khí giữa chúng tôi không còn căng thẳng nữa.

Chỉ là một bữa cơm khách sáo.

Nhưng mẹ tôi vốn chẳng chịu được im lặng quá lâu.

Bà đảo mắt, đột nhiên hỏi:

“Hứa Dịch, con chưa từng phá thai vì nó đấy chứ? Nếu chuyện này bị người ta biết, con lại càng khó tìm người mới hơn đấy.”

Thấy tôi không phản ứng, bà dừng lại một chút, rồi tiếp tục:

“Hồi bọn mẹ còn trẻ, ai cũng giữ gìn trong sạch, đâu có chuyện đó xảy ra.”

Bề ngoài có vẻ như đang quan tâm.

Nhưng ẩn trong sự quan tâm ấy là mùi hôi thối của sự ganh đua và ác ý.

Như thể cả hai chúng tôi đều là những món hàng chờ đàn ông chọn lựa.

Bà chỉ có thể nâng mình lên bằng cách hạ thấp tôi, công kích tôi.

Dù bà không còn ý định tìm bạn đời nữa,

Nhưng trong thế giới của bà, tôi đã trở thành một đối thủ.

Công kích, tổn thương, sỉ nhục tôi, dường như đã trở thành bản năng của bà.

Tôi chợt nhớ lại một chuyện năm tôi học cấp hai.

Trên đường về nhà, một nam sinh trong lớp từng sàm sỡ tôi.

Khi ấy, tôi sợ hãi, không biết phải làm sao.

Về nhà, tôi kể chuyện đó cho mẹ nghe.

Vài ngày sau, các bà cô trong khu bắt đầu đồn thổi rằng tôi đã bị cậu ta sờ soạng khắp người.

Rồi không lâu sau, câu chuyện ấy biến thành: tôi mới tí tuổi đầu đã lên giường với cậu ta.

Tôi đi tìm mẹ tranh luận, cãi vã.

Nhưng thứ tôi nhận được chỉ là một câu nói lạnh lùng:

“Chính con không biết giữ mình, còn trách ai?”

Sau đó, tôi tìm cậu ta đánh một trận.

Sức của con trai và con gái vốn không cân bằng.

Đầu tôi bị đánh đến chảy máu.

Nhưng tôi cũng gần như cắn rách một miếng thịt trên cánh tay hắn.

Từ đó, cậu ta thấy tôi liền né tránh.

Lần mẹ đến đón tôi, bà chỉ hỏi:

“Thù hằn sâu đến mức nào mà phải đánh nhau thế?”

Tôi không trả lời.

Khi ấy, tôi đã hiểu.

Bà không phải người tôi có thể dựa vào.

11

Hai năm sau đó, thật sự rất khó khăn.

Bao nhiêu đêm tỉnh dậy, tôi đều cảm giác như mình đang sống trong một cơn ác mộng.

Sau khi kết hôn với cha tôi, bà từng có một khoảng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi.

Khi ấy, để giữ gìn gia đình mới, bảo vệ cuộc sống mà bà cho là ổn định,

Bà chỉ có thể dâng hiến tôi,

Để đổi lấy sự yên bình tạm thời.

Người đàn ông đó cũng có một cô con gái, lớn hơn tôi hai tuổi.

Trước mặt ông ta, bà không ngớt lời ca ngợi cô ấy.

Nhưng muốn nâng ai lên, thì phải đạp ai đó xuống.

Bà luôn khen chị ấy, đồng thời dìm tôi xuống để làm nổi bật đối phương.

Chị ta học kém, bà nói đó là vì chị ta không chỉ biết vùi đầu vào sách như tôi, không phải mọt sách.

Chị ta tiêu tiền hoang phí, mua sắm liên tục, bà nói chị ta biết chưng diện, không như tôi, chẳng có dáng vẻ của một cô gái.

Những lời như thế, nhiều không kể xiết.

Ở căn nhà đó, ngày nào tôi cũng làm không hết việc.

Tan học về nhà, tôi phải giặt đồ cho cả gia đình, quét dọn nhà cửa.

Lúc ăn cơm, tôi phải ăn đồ thừa từ ngày hôm trước, để “học cách tiết kiệm”.

Cho đến một ngày, mẹ tôi phát hiện mất 1.200 tệ.

Vừa bước chân vào nhà, tôi liền bị bà túm lấy.

Bà lật tung cặp sách của tôi, đổ hết mọi thứ bên trong ra ngoài.

Bàn tay bà siết chặt cánh tay tôi, dùng hết sức. Tôi đau đớn, cố giãy ra nhưng không đủ sức.

Từng cái bạt tai giáng xuống mặt tôi.

Bà như đang thẩm vấn một tội phạm, gằn giọng hỏi:

“Tiền đâu? Tiền của tao đâu?”

Tôi hoàn toàn không biết số tiền đó ở đâu.

Bà chưa từng cho phép tôi bước vào phòng bà.

Làm sao tôi có thể biết được?

Nhưng chẳng ai muốn nghe tôi giải thích.

Đánh mệt rồi, bà đổi sang dùng móc quần áo.

Móc quần áo gãy, bà lấy cán chổi quật xuống.

Đánh đến khi tôi cuộn tròn dưới sàn nhà, giống như một con tôm bị luộc chín, ôm đầu, mặc bà trút giận.

Tôi đã cầu xin.

Tôi nói:

“Mẹ ơi, con thực sự không biết! Không biết mà!”

“Mẹ ơi, đừng đánh con nữa được không?”

Nhưng tiếng van xin của tôi chỉ khiến bà hăng say hơn.

Đến khi bà kiệt sức, đến khi cán chổi dính đầy máu mũi tôi, bà mới dừng lại.

Khi cha dượng và con gái ông ta trở về, cảnh tượng đó khiến họ hoàn toàn kinh hãi.

Con gái ông ta sau đó liên tục gặp ác mộng.

Sốt cao nhiều ngày liền, cuối cùng không chịu nổi áp lực tâm lý, cô ta thú nhận chính mình đã lấy số tiền đó.

Sự thật tưởng như đã sáng tỏ.

Nhưng chẳng ai cần sự thật cả.

Mẹ tôi lập tức hóa thành một người mẹ dịu dàng, vuốt ve đầu cô ta hết lần này đến lần khác, dịu dàng nói:

“Đồ ngốc, cần tiền thì nói với mẹ chứ! Sao mẹ có thể không cho con được? Con sợ đến thế này, con làm mẹ cảm thấy áy náy quá…”

Còn tôi, chỉ đứng bên cạnh, như một người ngoài cuộc, chứng kiến cảnh “mẹ hiền con thảo” đầy giả dối.

Một cơn buồn nôn trào lên từ dạ dày.

Tôi lập tức chạy ra ngoài.

Chỉ cảm thấy toàn bộ da thịt trên người đều khó chịu.

Tôi cúi gập người trên bồn hoa trong khu chung cư, vừa cào cấu da mình, vừa nôn thốc nôn tháo.

Nhưng chẳng có gì để nôn cả.

Một nỗi tuyệt vọng không cách nào thoát ra bủa vây lấy tôi.

Tôi không biết làm sao để thoát khỏi tình cảnh này.

Hai chữ “vị thành niên”.

Hai chữ “mẹ con”.

Như những sợi xích trói chặt tôi với bà ta.